Tổn thương não do món ăn khoái khẩu, người đàn ông nhắn nhủ: "Đừng để đau đớn mới hối hận"

Ngọc Minh |

Đang điều trị sán não tái phát tại Bệnh viện Đặng Văn Ngữ, ông N.V.T (sinh năm 1959, Bắc Giang) chia sẻ: "Sán não khó điều trị quá các cô à".

Nguyên nhân gây bệnh đến từ món "khoái khẩu"

Theo ông T, cách đây 7 năm, ông thường xuyên có triệu chứng đau đầu, đau bụng. Theo thói quen ông T ra hiệu thuốc mua thuốc về uống. Thời gian đầu khi uống thuốc, cơn đau đỡ đôi chút nhưng sau đó cơn đau lại tái phát và ngày càng xuất hiện nhiều hơn.

Ngoài đau đầu, ông T còn có thêm triệu chứng đau bụng. Trong suốt 1 năm sau đó, ông đi nội soi dạ dày, đại tràng, uống thuốc nhưng triệu chứng không thuyên giảm nhiều. Riêng về đau đầu, bác sĩ nói ông bị rối loạn tiền đình nên cho thuốc uống nhưng cũng không đỡ.

Đỉnh điểm là lần ông T đau đầu và lên cơn co giật, mặt méo xệch nên ông được đưa tới bệnh viện gần nhà điều trị nội trú. Điều trị được 7 ngày, cơn đau đầu đỡ nhưng về nhà được 5-6 ngày thì cơn đau lại xuất hiện.

Trong một lần tình cờ đi khám tại một bệnh viện tư nhân, bác sĩ chỉ định cho ông T chụp CT phổi và phát hiện có tổn thương do sán. Sau đó bác sĩ nghi ngờ ông T mắc sán não nên đã khuyên ông tới Bệnh viện Đặng Văn Ngữ điều trị.

Tại Bệnh viện Đặng Văn Ngữ, ông T được chỉ định chụp CT não và phát hiện có nhiều tổn thương do sán đóng kén. Khi được bác sĩ chia sẻ nhiễm sán não thường do thói quen ăn thịt lợn tái, tiết canh lợn nhiễm sán, ông T đã rất bất ngờ.

Ông không nghĩ rằng những món ăn ngon mà ông thường hay ăn như: nem chạo, tiết canh lại là nguồn cơn gây ra căn bệnh khiến ông phải điều trị dai dẳng suốt nhiều năm.

Tổn thương não do món ăn khoái khẩu, người đàn ông nhắn nhủ:

Ông T điều trị sán não (ảnh N.M)

Ông T cũng cho biết thêm, không ngờ vì món ăn "khoái khẩu" mà bao nhiêu năm nay ông đã phải chịu đau đớn và tốn tiền điều trị tới vậy. Là người chịu ảnh hưởng từ bệnh sán não, ông T nhắn nhủ mọi người nên tránh xa những món ăn từ thịt chưa chín, tiết canh. "Đừng để đau đớn như tôi rồi mới hối hận thì cũng đã muộn", ông T nói.

Cần tuân thủ điều trị khi mắc sán não

Bác sĩ Phan Thị Thu Phương - Bệnh viện Đặng Văn Ngữ cho biết, trường hợp của bệnh nhân T đã được chẩn đoán sán não cách đây nhiều năm, điều trị được một thời gian bệnh nhân tự ý bỏ điều trị. Đầu năm 2024 bệnh nhân phải nhập viện do sán não tái phát gây đau đầu.

Nguyên nhân mắc bệnh là do bệnh nhân ăn phải ấu trùng sán lợn từ tiết canh, thịt lợn chưa được nấu chín kỹ. Người bị sán não có nguy cơ cơ mắc các cơn động kinh ở mức độ nặng, nhẹ khác nhau. Tình trạng này thường gây ra các triệu chứng như mất ngủ, rối loạn giấc ngủ,... hoặc một số triệu chứng khác hiếm gặp hơn như yếu liệt nửa người, các bất thường khi vận động,...

Bệnh thường phát triển âm thầm, những triệu chứng rõ rệt thường xuất hiện khá muộn. Bệnh có thể dẫn đến tử vong nếu không được chẩn đoán và điều trị kịp thời.

Qua trường hợp của bệnh nhân T, bác sĩ Phương khuyến cáo người bệnh khi được chẩn đoán mắc sán não cần phải điều trị theo đúng phác đồ do bác sĩ đưa ra. Người bệnh không nên tự ý bỏ thuốc và không tái khám theo yêu cầu của bác sĩ điều trị khi thấy bệnh đỡ vì điều này sẽ dẫn đến tình trạng bệnh tái phát.

Để phòng ngừa sán não, bác sĩ Phương cho biết, người dân không nên ăn tiết canh, thịt lợn tái – sống. Thay vào đó, mọi người nên thực hiện ăn chín uống sôi, giữ gìn vệ sinh cá nhân.

Đối với người có thói quen ăn đồ tái sống, khi cơ thể xuất hiện dấu hiệu nghi ngờ nhiễm sán cần phải đi khám chuyên khoa để được bác sĩ tư vấn cách điều trị.

Tổn thương não do món ăn khoái khẩu, người đàn ông nhắn nhủ:

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại