Thưởng thức món "rồng đất", một năm chỉ có đôi lần

Hạnh Linh |

(Tổ Quốc) - Du khách có dịp về qua sông Yên, huyện Nông Cống, tỉnh Thanh Hóa để thưởng thức món "rồng đất", một đặc sản một năm chỉ có đôi lần.

Rươi hay còn gọi là "rồng đất". Con đặc sản này chỉ có ở miền Bắc và Bắc Trung bộ. Rươi có màu xanh xanh, đỏ đỏ, nhơn nhớt. Món ăn được chế biến từ rươi có hương vị thơm ngon đặc biệt và giá trị dinh dưỡng rất cao.

Chờ nước nổi, "rồng đất" ngoi lên

Dịp giữa thu, đầu đông, khi những cơn gió mang cái lạnh se se thổi về, đó là lúc người dân ở hai bên bờ sông Yên, huyện Nông Cống, Quảng Xương chuẩn bị dụng cụ đi vớt "lộc" trời ban - con rươi.

Mùa rươi ở Nông Cống xuất hiện rất ngắn, mỗi năm chỉ có vài lần, đấy là dịp mùng 5 tháng 9 và 20 tháng 10 âm lịch. Mỗi đợt kéo dài 3-5 ngày.

Rươi chủ yếu là các sinh vật sống ở biển, khi có nước lớn mới có thể bơi ngược dòng vào sông. Rươi có thể được tìm thấy ở nhiều tầng nước, là động vật ăn tạp, chúng sống và tìm kiếm thức ăn trong các đám rong, cỏ biển, núp mình dưới đá hay vùi mình trong cát và bùn.

Thân rươi có hình dẹt, dài khoảng 5-7cm và rộng khoảng 6-7mm trên thân có nhiều đốt và có nhiều màu sắc khác nhau như xanh, đỏ, nâu…

Theo các bậc cao niên làng Đông, xã Trường Trung, huyện Nông Cống, tỉnh Thanh Hóa, vào dịp mùng 5 tháng 9, đôi mươi tháng 10 nước sông Yên dâng cao nhất do nước biển lớn, trứng rươi được đẻ từ năm trước ủ trong lòng đất, trong các khe nẻ để đến kỳ nở ra con rồi ngoi lên.

Chờ ngày nước lớn, người dân ven sông Yên lại chuẩn bị rổ, vợt hoặc dùng đáy để vớt rươi. Có thời điểm rươi lên nhiều, nước được phủ bởi màu xanh xanh, đỏ đỏ của rươi. Rươi ở thời điểm này được xem là ngon nhất, song giá cả cũng vô cùng đắt đỏ, giao động từ 500.000 đến 700.000 đồng/ kg.

Ngày nay nhiều hộ gia đình ven sông Yên, sông Hoàng thuộc 2 huyện Quảng Xương và Nông Cống, tỉnh Thanh Hóa đã bắt đầu mô hình nuôi rươi theo hướng hữu cơ. Tuy nhiên, là người sành ăn, thưởng thức món đặc sản này thì rươi được "trời ban" vẫn thơm, ngon, thanh mát hơn.

Những món ngon từ "rồng đất"

Theo bà Nguyễn Thị Mười, làng Đoài, xã Trường Trung, huyện Nông Cống, vì rươi xuất hiện ngắn ngủi nên người dân trong vùng Nông Cống xưa kia thấy tiếc khi mùa rươi qua đi, không còn dịp thưởng thức món ngon đặc biệt.

Họ níu giữ hương vị ấy bằng món mắm rươi. Mắm rươi theo cách làm truyền thống xưa khá cầu kỳ.

Rươi sau khi làm sạch, để ráo nước được đánh, quấy nát thành bột, trộn với muối đã rang vàng, tán nhỏ theo tỷ lệ nhất định rồi cho vào hũ sành đem phơi nắng.

Sau khoảng 3-4 tuần thì cho rượu nếp ngon vào trộn đều và để tiếp 5-6 tuần nữa thì cho bột thính gạo nếp vào. Được 7-8 tuần lại cho bột gừng, bột vỏ quýt vào trộn đều để hũ mắm dậy mùi thơm.

Chẵn 10 tuần thì san mắm từ hũ sành sang chai thủy tinh, nút chặt, bọc ni-lông rồi tiếp tục phơi nắng. Khi nào thấy mắm ngấu là ăn được. Tuy nhiên, để rươu được ngon, người làm thường đậy thật kỹ, để mắm rươi càng lâu sẽ càng ngấu và ngon hơn.

Hết mùa rươi, mắm rươi được đem ra thưởng thức đã khiến bao người si mê bởi vị thơm, ngậy của mắm. Thưởng thức mắm rươi có 2 cách đó là ăn mắm rươi sống và mắm chưng.

Nếu là mắm sống thì người ăn lấy một lượng mắm vừa đủ cho vào bát trộn với vỏ quýt băm nhỏ, gừng non thái chỉ và lạc rang giã dập, rắc ít tôm he xé thật bông hoặc ít ruốc lên trên.

Thêm đĩa thịt ba chỉ luộc thái mỏng. Rau cần và rau cải cúc rửa sạch, cắt khúc ngắn vừa ăn xếp vào đĩa. Ngoài ra còn có rau húng thơm, xà lách, hành hoa cắt khúc, rau mùi….Khi ăn, gắp đủ các thứ rau vào bát, rưới mắm lên trên…

Mắm chưng thì ăn đơn giản hơn, vì chỉ cần chưng mắm với trứng, thêm chút đường và rượu trắng vào, chưng gần đặc thì cho thêm vỏ quýt thái chỉ và lạc rang giã nhỏ. Món mắm chưng cũng ăn với các nguyên liệu tương tự như mắm sống.

Ngày nay, rươi còn được nuôi hữu cơ nên việc thưởng thức "con đặc sản" này không phải là của hiếm. Rươi được chế biến nhiều món ngon khác nhau, thường thì ta vẫn quen thưởng thức mấy món chính là chả rươi, rươi hấp, rươi xào, rươi kho, rươi đúc với trứng, mắm rươi, canh rươi…

Tuy nhiên, với người dân Nông Cống, Thanh Hóa vẫn thường hay chế biến món chả rươi và rươi hấp.

Theo đó, rươi sau khi làm sạch sẽ được trộn với thịt băm, trứng, thì là, thêm vài lát vỏ quýt hôi băm nhỏ rồi cho lên rán vàng. Món rươi phải ăn lúc nóng đến bỏng lưỡi, kèm theo ít hạt tiêu, rau cũng đủ chiều lòng những thượng khách khó tính.

Nếu chả rươi hấp dẫn bởi mùi thơm thì rươi hấp lại lôi cuốn người ăn bởi vị thanh và cách chế biến không cầu kỳ, đậm đà kiểu cách. Cũng các nguyên liệu giống như làm chả rươi, song cách chế biến món rươi hấp lại hoàn toàn khác.

Người làm sau khi đã trộn đủ các nguyên liệu gồm rươi trộn với thịt băm, trứng, thì là, thêm vài lát vỏ quýt hôi băm nhỏ, các nguyên liệu này được cho vào một miếng lá chuối rồi cho vào chảo áp hoặc nồi hấp. Thời gian hấp từ 15 -20 phút là rươi chín.

Dù được chế biến thành món nào thì mùi vị thanh mát, béo mà không bị ngấy của "rồng đất" vẫn đánh thức vị giác người ăn, chả vì thế mà người dân vùng ven sông Yên, sông Hoàng cứ thao thức mỗi dịp mùa nước nổi để được thưởng thức "lộc" trời ban.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại