Sau ô tô điện, đây là thứ tiếp theo Trung Quốc thống trị, không phải máy bay mà vẫn lượn đầy trời?

Nhật Quỳnh |

Sau xe điện, Trung Quốc có vẻ đang để ý tới thứ công nghệ rất mới lạ: Phương tiện bay lên thẳng eVTOL.

Tiếp sau xe điện - thứ công nghệ mà Trung Quốc đang chiếm ưu thế trước toàn thế giới khi đã đầu tư từ lâu, lĩnh vực được cho sẽ lại đi trước thế giới sẽ nằm ở hàng không mà tại đây, phương tiện bay sẽ cơ động và nhỏ gọn hơn máy bay rất nhiều, có thể tham gia tại nhiều lịch vực khác nhau.

Xe thuần điện: Lối đi riêng của Trung Quốc

Trong năm 2022, nếu tính cả xe lai điện sạc ngoài (Plug-in Hybrid, còn gọi là PHEV) thì doanh số xe điện của Trung Quốc lên tới 5,67 triệu chiếc, chiếm tới quá bán tổng doanh số toàn cầu. Tới năm 2023, con số này đã tăng 37%, đạt hơn 8 triệu chiếc. 

Thành công của Trung Quốc với xe điện được cho đến từ những nỗ lực của chính phủ nước này từ đầu những năm 2000. Vào thời điểm đó, Trung Quốc lựa chọn tập trung phát triển xe thuần điện khi những cường quốc ô tô khác trên thế giới như Mỹ, Đức, Nhật chọn xe hybrid. Nỗ lực phát triển xe thuần điện của Trung Quốc phải kể tới việc bổ nhiệm ông Vạn Cương làm Bộ trưởng Bộ Khoa học Kỹ thuật. Ông Vạn Cương từng là kỹ sư tại Audi, có chuyên môn sâu về xe thuần điện.

Sau ô tô điện, đây là thứ tiếp theo Trung Quốc thống trị, không phải máy bay mà vẫn lượn đầy trời?- Ảnh 1.

Wuling HongGuang Mini EV do Trung Quốc sản xuất từng là mẫu xe điện bán chạy nhất thế giới.

Trong khi đó, những nỗ lực làm xe điện của các quốc gia phương Tây phải chờ tới mẫu Model S của Tesla ra mắt năm 2012 mới được xem là một dấu mốc đáng chú ý. Tesla Model S ra mắt đã khiến công chúng thay đổi hoàn toàn định kiến về xe điện, rằng xe điện cũng có thể đẹp, sang trọng và có chất lượng tốt.

Tuy nhiên, đó là những câu chuyện đã qua. Trong tương lai, Trung Quốc có thể sẽ lại đi đầu thế giới với lĩnh vực phương tiện bay tầm thấp.

Lịch sử sẽ lặp lại với phương tiện bay tầm thấp?

Mới đây, công ty taxi bay Thượng Hải đã đưa ra nhận định rằng ngành hàng không tầm thấp của Trung Quốc đang dẫn trước các công ty đối thủ từ phương Tây. Lý do khiến các công ty Trung Quốc có thể phát triển tốt hơn được cho là các chính sách có phần thuận lợi hơn, cùng với đó là các tiến bộ công nghệ và sự cạnh tranh gay gắt trong ngành tiếp vận hậu cần (Logistics) tại Trung Quốc.

Dựa trên các nghiên cứu của Morgan Stanley, thị trường của phương tiện bay lên thẳng eVTOL sẽ có giá trị khoảng 1,5 tỷ USD tới năm 2040. Khách hàng của thị trường này rất đa dạng, từ mảng hàng không, tiếp vận hậu cần, dịch vụ cấp cứu, nông nghiệp, du lịch hay cả dịch vụ an ninh.Sau ô tô điện, đây là thứ tiếp theo Trung Quốc thống trị, không phải máy bay mà vẫn lượn đầy trời?- Ảnh 2.

Sau ô tô điện, đây là thứ tiếp theo Trung Quốc thống trị, không phải máy bay mà vẫn lượn đầy trời?- Ảnh 3.

Mẫu CarryAll của AutoFlight. Ảnh: AutoFlight

Mới đây, công ty AutoFlight Group của Trung Quốc vừa có được giấy chứng nhận đủ điều kiện bay (Airworthiness Certification) từ Cơ quan Quản lý Hàng không Dân dụng Trung Quốc - CAAC - hồi cuối tháng 3 cho thiết kế và linh kiện của phương tiện bay tự hành CarryAll. Đây là phương tiện bay lên thẳng đầu tiên của thế giới có trọng lượng hơn 1 tấn được cấp phép.

Phó Chủ tịch của AutoFlight, ông Kellen Xie, cho biết rằng CAAC đã hỗ trợ rất nhiệt tình trong việc xin giấy phép. Ông cho biết: "Họ [cơ quan quản lý] phải làm thêm giờ... Họ hạ quyết tâm tăng tốc độ xử lý để đưa công nghệ mới này đi vào thực tiễn". Hiện tại. AutoFlight cũng đang xin giấy phép tại châu Âu.

Phương tiện bay lên thẳng eVTOL tương tự trực thăng khi có thể cất cánh và hạ cánh theo phương thẳng đứng. Tuy nhiên, điểm khác là phương tiện bay lên thẳng có cánh cố định để di chuyển với tốc độ cao hơn, giúp di chuyển nhanh hơn và hiệu quả hơn so với các phương án vận chuyển trên đường bộ.

Các chuyên gia chỉ ra rào cản của công nghệ chính là sự rắc rối về thủ tục hành chính và an toàn; song, ý kiến tích cực vẫn cho rằng công nghệ này vẫn sẽ tiếp diễn và sau cùng thay đổi cách con người di chuyển và vận tải. 

Sau ô tô điện, đây là thứ tiếp theo Trung Quốc thống trị, không phải máy bay mà vẫn lượn đầy trời?- Ảnh 5.

Ảnh dựng đồ họa mẫu Mobility Eve V3 của Eve Air.

Hiện nay, hầu hết phương tiện bay lên thẳng eVTOL vẫn đang trong giai đoạn thử nghiệm; chúng khác nhau cơ bản về tốc độ, độ cao và sức tải. Nghiên cứu gần đây của Morgan Stanley cũng chỉ ra một vấn đề lớn trong việc vận hành loại phương tiện này; vấn đề đó nằm ở những hạn chế đường hàng không, nhất là trong khu vực đông dân cư.

AutoFlight hiện đang trao đổi với chính quyền địa phương để cố gắng thuyết phục về nền kinh tế hàng không tầm thấp (Low Altitude Economy) trên một số chặng bay quan trọng ở phía nam Trung Quốc - nơi đặt các nhà máy sản xuất của các công ty công nghệ lớn và quan trọng bậc nhất thế giới.

Ngành công nghiệp taxi bay này dù còn non trẻ nhưng đã thu hút được hàng tỷ USD đầu tư trong vòng 5 năm qua. Start-up trong lĩnh vực này không chỉ đến từ Trung Quốc, mà còn từ châu Âu hay Mỹ; tất nhiên, những công ty khởi nghiệp này cũng sẽ phải cạnh tranh với các công ty hàng không có tên tuổi như Airbus hay Boeing.

Sau ô tô điện, đây là thứ tiếp theo Trung Quốc thống trị, không phải máy bay mà vẫn lượn đầy trời?- Ảnh 6.

Ngoài phương tiện vận tải, AutoFlight còn có mẫu phục vụ cứu hỏa.


Theo một chuyên gia công nghệ tại IDTechEX, ngành công nghiệp này đã có thể nhận được khoảng 10.000 đơn hàng với tổng giá trị khoảng 60 tỷ USD. Vị chuyên gia này cũng đưa ra dự đoán rằng phương tiện bay lên thẳng eVTOL có thể đi từ thử nghiệm nhỏ lẻ tới tổng doanh số 10.000 chiếc khắp thế giới cho tới năm 2040.

Song, chuyên gia này cũng cảnh báo rằng hầu hết các dự án taxi bay này "sẽ không bao giờ vượt qua được bước thiết kế và thử nghiệm", đồng thời năm 2024 này cũng sẽ là một năm rất khó khăn khi yêu cầu cho đầu tư sẽ trở nên ngặt nghèo hơn.

AutoFlight từng cho biết rằng công ty đã nhận được hơn 1.000 đơn hàng, bao gồm cả thư ngỏ quan tâm mà có thể không biến thành doanh số bán hàng thực sự.

Sau ô tô điện, đây là thứ tiếp theo Trung Quốc thống trị, không phải máy bay mà vẫn lượn đầy trời?- Ảnh 7.

Thị trường eVTOL có thể đạt 1,5 tỷ USD tới năm 2040. Ảnh: AutoFlight

Trước mắt, AutoFlight đang nhắm đến các công ty tiếp vận hậu cần tại Trung Quốc, và cũng cho biết rằng đã có được hàng chục hợp tác và dự án thử nghiệm. Một trong những hợp tác của AutoFlight có ZTO Express - công ty vận chuyển lớn nhất Trung Quốc.

Phó Chủ tịch Kellen Xie của AutoFlight nhận định: "Các công ty tiếp vận hậu cần của Trung Quốc là các công ty cạnh tranh nhất thế giới, tất cả đều cố gắng mang lại điều gì đó khác biệt với đối thủ để giảm chi phí, tăng hiệu quả hoặc số lượng đơn hàng phục vụ".

Ngành taxi bay của Trung Quốc phát triển khi ngành ô tô điện của quốc gia này đang dần cho thấy tầm ảnh hưởng trên trường quốc tế, khiến những đối thủ từ các nền công nghiệp ô tô lâu đời trên thế giới phải lo sợ. Lợi thế lớn nhất của ô tô điện tới từ Trung Quốc nằm tại giá bán rất cạnh tranh dù có trang bị chẳng kém, thậm chí còn tốt hơn đối thủ.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại