GS Võ Tòng Xuân lần đầu chia sẻ về người vợ tào khang: "Tôi thấy nuối tiếc quá!"

Minh Hằng |

Khi lên nhận giải VinFuture, GS Võ Tòng Xuân đã dành cho người vợ quá cố một lời cảm ơn đầy xúc động. Ít ai biết được rằng bà có ảnh hưởng rất lớn trong sự nghiệp của ông.

Ảnh: MH - Design: HL

Ảnh: MH - Design: HL

"Bà xã là một cánh tay đắc lực trong sự nghiệp và cuộc sống của tôi", GS Võ Tòng Xuân (SN 1940) chia sẻ về người vợ quá cố của mình.

Ông dành lời cảm ơn đầu tiên đến bà ngay trong giây phút được xướng tên là đồng chủ nhân Giải đặc biệt dành cho nhà khoa học tới từ các nước đang phát triển của VinFuture 2023.

GS Võ Tòng Xuân lần đầu chia sẻ về người vợ tào khang: "Tôi thấy nuối tiếc quá!"- Ảnh 1.

GS Võ Tòng Xuân gửi lời cảm ơn đầu tiên đến người vợ quá cố ngay sau khi được xướng tên là đồng chủ nhân của giải VinFuture.

Hồi tưởng về người bạn đời, GS Võ Tòng Xuân kể: "Tôi và vợ (bà Bùi Thị Ngọc Lệ - PV) quen nhau từ hồi học trung học, khoảng lớp 8, lớp 9 vì hai đứa học chung trường. Cô ấy kém tôi 3 tuổi. Đến năm học lớp 10, tôi thi vào trường kỹ thuật Cao Thắng".

GS Võ Tòng Xuân lần đầu chia sẻ về người vợ tào khang: "Tôi thấy nuối tiếc quá!"- Ảnh 2.

GS Võ Tòng Xuân kể, ngay từ thời niên thiếu, ông đã được coi là trụ cột trong nhà vì bố mẹ thường xuyên đau ốm, dưới lại có 5 người em. Ông cùng với mấy người em lớn của mình phải làm nhiều nghề, các công việc lặt vặt để góp vào nguồn thu nhập ít ỏi của gia đình, đồng thời tự trang trải các khoản chi phí học tập. Tất cả sinh kế của gia đình đều trông vào một sạp báo nhỏ. Để phụ bố mẹ, cứ 4 giờ sáng hàng ngày, ông là người đảm nhận nhiệm vụ đi lấy báo. Riêng ngày thứ Tư, thứ Bảy thì ông đi từ 2 giờ sáng vì hôm đó có số tuần của báo Phụ nữ và tuần báo Kịch Ảnh bán rất chạy.

"Sau khi tôi lấy báo trở về, cả nhà thức dậy và bắt đầu gấp báo để đứa em gái mang ra sạp bán. Một số báo khác thì được tôi và em trai mang đi bán dạo ở bến xe đò An Đông. Hết giờ bán báo, anh em chúng tôi mới về nhà để sửa soạn đi học", GS Võ Tòng Xuân nhớ lại những ngày tháng khó khăn.

Làm việc quá sức một thời gian dài nên ông bị bệnh lao phổi khi lên lớp 12. Nằm trong nhà thương Đô Thành (ngày nay là bệnh viện Sài Gòn) ở kế bên chợ Bến Thành để điều trị, ông được bạn gái (người vợ sau này) chăm sóc. Bà là con nhà khá giả, gia đình có cửa hàng bán bàn ghế nội thất.

"Mỗi lần đến thăm, cô ấy đều lựa những lúc tôi không để ý, giấu mấy đồng vào túi áo cho tôi. Ngày nào cô ấy cũng vào thăm tôi. Trong suốt thời gian nằm bệnh viện, gia đình vì bố mẹ đau yếu và các em còn nhỏ, nên chỉ một mình cô chăm sóc tôi", ông kể.

Sau khi khỏi bệnh, đến năm 1959, GS Võ Tòng Xuân thi tú tài II nhưng bị trượt. Suốt hơn 1 năm sau đó, sáng sớm ông đi bán báo, ngày đi làm thêm (xin làm kỹ nghệ họa viên cho ga hàng không dân sự trong sân bay Tân Sơn Nhất), ôn thi và tối đến dạy kèm trẻ tại nhà để trang trải phần nào cuộc sống gia đình và chi phí học tập. Năm 1961, ông thi đỗ tú tài II kỹ thuật, đồng thời đỗ hạng nhì học bổng du học ở ĐH Nông nghiệp Philippines tại Los Banos.

Dù có tuổi thơ nhọc nhằn và nhiều khó khăn, nhưng ngay từ khi còn trẻ, GS Võ Tòng Xuân đã luôn biết cách tìm khía cạnh tích cực trong mỗi tình huống trong đời. Chẳng hạn, trong thời gian ở trọ nhà của Dì Dượng Bảy (em của mẹ ông), mỗi tối ông phải mang mền gối ra đầu hẻm ngủ để giữ xe ôtô. Thay vì than than trách phận, ông lại thấy đó là dịp may vì mỗi sáng thức dậy sớm ngồi trong xe học nói tiếng Anh theo đài phát thanh rất chuẩn.

Trước khi sang Philippines du học vào tháng 6/1961, GS Võ Tòng Xuân đã xin phép hai bên gia đình tổ chức lễ đính hôn với người bạn gái luôn bên cạnh ông những ngày khốn khó. "Lúc đó, tôi quýnh quáng quá vì sắp đi du học rồi nên muốn có gì "chắc ăn". Tôi ngỏ lời cầu hôn và may mắn là cô ấy đồng ý. Hai bên gia đình cũng ủng hộ và chúc phúc cho chúng tôi".

GS Võ Tòng Xuân lần đầu chia sẻ về người vợ tào khang: "Tôi thấy nuối tiếc quá!"- Ảnh 3.

GS Võ Tòng Xuân lần đầu chia sẻ về người vợ tào khang: "Tôi thấy nuối tiếc quá!"- Ảnh 4.

Trong suốt hành trình từ những lúc ốm đau, học hành nơi xứ người hay ngay cả những lúc gặp khó khăn nhất trong việc gieo trồng các giống lúa, GS Xuân luôn có vợ là hậu phương vững chắc.

Đến năm 1963, GS Võ Tòng Xuân đón vị hôn thê của mình sang Philippines. "Sau khi Ngọc Lệ sang Philippines, tôi vừa đi học vừa tranh thủ tổ chức đám cưới. Chúng tôi tổ chức một đám cưới ấm cúng tại Manila", GS Xuân chia sẻ.

Hạnh phúc của gia đình nhỏ càng được nhân lên khi hai người lần lượt đón hai con chào đời vào năm 1963 và 1964. Tuy nhiên, cũng từ đó, cuộc sống lại càng trở nên khó khăn. Hai vợ chồng ông vừa học vừa nghĩ cách làm thêm để có tiền trang trải.

Lúc mới sang Philippines, GS Võ Tòng Xuân rất mừng khi biết mình nhận học bổng Rockefeller, được tiền hỗ trợ vé máy bay và sinh hoạt phí, nên ông liền viết thư và dự định gửi về cho bố mẹ trả nợ. Nhưng bố ông viết thư hồi đáp: "Con đi học mà trong túi mà không có cắc nào là không được. Trường có hỗ trợ vé máy bay thì con giữ tiền đó đi. Bên đây ba làm ba lo trả nợ từ từ".

Sau đó, GS Võ Tòng Xuân nghĩ rằng thay vì giữ tiền để hộ thân thì nên đầu tư mua một chiếc máy ảnh. Vừa hay, một tờ báo sinh viên ở Philippines thông báo tuyển thợ ảnh. Hai vợ chồng ông nhận việc này, chồng chụp, vợ tráng phim, ngâm thuốc rửa để cố định hình và phơi khô ảnh trong phòng tối làm từ nhà tắm của mình. "Tất cả các công đoạn hậu chụp hình, bà xã đều giúp tôi làm. Cô ấy không nề hà bất cứ việc gì. Chỉ cần tôi dạy qua một vài lần, cô ấy đều làm được", GS Xuân kể.

Ở Philippines, bà Lệ cũng theo học ngành "kinh tế gia đình" và có vốn tiếng Anh rất khá. "Cô ấy vừa đi học, vừa lo chuyện nhà cửa, con cái...  Việc chụp hình thuê của tôi bắt đầu được nhiều người biết tới và từ đó một phần lớn kinh tế gia đình đều trông cậy vào dịch vụ chụp rửa ảnh này", ông nhớ lại.

Trong suốt thời gian học đại học và sau đó học tiếp lên thạc sĩ nông hóa bằng số tiền tài trợ của Nhà máy Đường Canlubang tại Los Banos, GS Võ Tòng Xuân luôn biết ơn vì có sự hỗ trợ đắc lực của vợ để giúp ổn định kinh tế gia đình, chăm sóc các con và giúp chồng bằng cách phụ giúp làm nhiều thí nghiệm trong luận văn tốt nghiệp như phân tích đất của các mẫu đất, độ bền chắc của giấy làm từ bã mía theo các nghiệm thức khác nhau...

Năm 1969, sau khi lấy bằng thạc sĩ, GS Võ Tòng Xuân được nhận vào làm nghiên cứu sinh ở Viện Nghiên cứu Lúa gạo quốc tế (IRRI). Đến năm 1971, ông trở về nước, tham gia giảng dạy tại Trường Cao Đẳng Nông Nghiệp, ĐH Cần Thơ. Trong thời gian này, ông cộng tác với các giáo sư Nhật Bản đang giảng dạy và nghiên cứu tại trường, trong số đó có giáo sư Jun Inoue cùng nghiên cứu về đặc tính các loại giống lúa cổ truyền miền Tây Nam bộ.

Cuối năm 1974, ông sang Nhật để làm tiếp và hoàn tất các thí nghiệm trong luận án tiến sĩ. Ông bảo vệ thành công luận văn tốt nghiệp và được cấp văn bằng Bác Sĩ Nông Học vào đầu tháng 3/1975. Ngày 2/4/1975, GS Võ Tòng Xuân rời Nhật Bản trở về Trường Cao Đẳng Nông Nghiệp Cần Thơ và ở lại trường sau khi miền Nam giải phóng. Từ đó, ông tiếp tục nghiên cứu khoa học và tham gia đào tạo nguồn nhân lực nông nghiệp. GS Võ Tòng Xuân và những học trò của ông bắt đầu có nhiều đóng góp cho việc phát triển các giống lúa cao sản, cách canh tác đạt năng suất cao...

Sau năm 1975, bà Lệ làm việc tại thư viện ĐH Cần Thơ. Tổ ấm của hai ông bà có thêm một người con gái út. Thời gian này, bà vẫn là người cáng đáng mọi việc trong gia đình, nuôi 3 người con và giúp chồng nhiều trong cả sự nghiệp và nghiên cứu khoa học.

"Bao nhiêu việc từ gia đình cho tới công việc, sự nghiệp nghiên cứu khoa học, nếu không có cô ấy thì tôi không thể làm được. Sau một người chồng thành công là có một người vợ rất siêng năng. Sự thành công mà tôi có được ngày nay là có sự đóng góp rất lớn của vợ", GS Xuân bày tỏ lòng biết ơn với người vợ của mình.

GS Võ Tòng Xuân lần đầu chia sẻ về người vợ tào khang: "Tôi thấy nuối tiếc quá!"- Ảnh 5.

GS Võ Tòng Xuân lần đầu chia sẻ về người vợ tào khang: "Tôi thấy nuối tiếc quá!"- Ảnh 6.

Chân dung bà Bùi Thị Ngọc Lệ, người vợ tào khang khiến GS Võ Tòng Xuân luôn biết ơn suốt cả cuộc đời. Ảnh: NVCC

Cuối năm 1999, GS Võ Tòng Xuân chuẩn bị rời ĐH Cần Thơ, nhận lời mời của lãnh đạo tỉnh An Giang để thành lập trường ĐH thứ hai của miền Tây Nam Bộ. Tại thời điểm sau khi khánh thành ĐH An Giang, vợ ông bị tai biến. "Tôi đi khắp nơi để lo chạy chữa cho bà xã. Trong nước, ngoài nước, những người nào mà tôi biết đều mời đến để điều trị cho vợ. Nhưng cuối cùng bà ấy vẫn ra đi sau 6 năm điều trị", GS Xuân bồi hồi nhớ lại.

Các con của GS Võ Tòng Xuân đều nói rằng: "Không ai lo cho má bằng ba".

GS Võ Tòng Xuân lần đầu chia sẻ về người vợ tào khang: "Tôi thấy nuối tiếc quá!"- Ảnh 7.

Điều hối tiếc nhất với GS Võ Tòng Xuân là không có đủ thì giờ 100% để chăm sóc cho vợ.

Nhưng với riêng ông, như thế vẫn là chưa đủ. "Vợ ra đi là sự mất mát to lớn đối với tôi. Bản thân tôi thấy nuối tiếc quá! Mình không có thì giờ 100% để chăm sóc vợ khi thường xuyên đi công tác xa nhà, vừa tham gia công tác quản lý, giảng dạy và nghiên cứu. Ba đứa con tôi cũng thế. Do đó, mọi việc chăm sóc vợ đều phải nhờ vào một người cháu gái. Mỗi khi chào vợ để đi công tác, tôi đều thấy mắt bà rưng rưng. Tôi cũng xót lắm nhưng không làm được gì hơn", ông ngậm ngùi.

Cho đến tận bây giờ, dù đi đâu, ông vẫn luôn cầu nguyện bà đi theo giúp đỡ. "Trận ốm nặng năm ngoái (2022), ngoài việc được các bác sĩ tận tình cứu chữa, tôi khỏi bệnh có lẽ là nhờ bà xã và cái tính lạc quan của mình. Dù các con quýnh quáng lo lắng nhưng tôi luôn động viên 'yên tâm, thế nào ca mổ cũng tốt'", GS chia sẻ.

GS Võ Tòng Xuân lần đầu chia sẻ về người vợ tào khang: "Tôi thấy nuối tiếc quá!"- Ảnh 8.

Sau khi bán căn nhà của hai vợ chồng ở Cần Thơ vào năm 2008 để đầu tư xây trường Song Ngữ Tinh Hoa (ở Long Xuân, An Giang), GS Võ Tòng Xuân thường xuyên đi đi về về ở căn nhà công vụ trong khuôn viên ĐH An Giang. Đây cũng là nơi ông đặt bàn thờ vợ.

GS Võ Tòng Xuân lần đầu chia sẻ về người vợ tào khang: "Tôi thấy nuối tiếc quá!"- Ảnh 9.

Ngoài 80 tuổi, GS Võ Tòng Xuân vẫn lội ruộng, băng đồng và rất gần gũi với những người nông dân ở Đồng bằng sông Cửu Long.

"Tính ra thì tôi hiện vô gia cư (cười). Bây giờ tôi đi làm ở đâu thì xin ở chỗ đó, không thì lui về căn nhà công vụ ở An Giang. Tôi không muốn làm phiền hay trở thành gánh nặng cho con cái vì chúng đều có gia đình riêng, lo sự nghiệp và bận chăm sóc các cháu. Thỉnh thoảng tôi đến thăm các con và trò chuyện với mấy đứa cháu nội, ngoại", GS Võ Tòng Xuân kể.

GS Võ Tòng Xuân lần đầu chia sẻ về người vợ tào khang: "Tôi thấy nuối tiếc quá!"- Ảnh 10.

GS Võ Tòng Xuân ấp ủ ước mơ giúp người nông dân bớt khổ ngay từ khi còn trẻ. Hơn nửa thế kỷ gắn bó với cây lúa, ông vẫn muốn thực hiện nhiều dự án trong tương lai.

Ở tuổi 83, cái tuổi xưa nay hiếm, GS Võ Tòng Xuân vẫn chưa muốn ngơi nghỉ và ấp ủ nhiều dự án với mong muốn đổi mới giáo dục và cải thiện đời sống cho bà con nông dân. Sau khi trở thành đồng chủ nhân Giải đặc biệt dành cho nhà khoa học tới từ các nước đang phát triển của VinFuture 2023, giáo sư chia sẻ, ông muốn dùng tiền thưởng vào hai việc. 

Thứ nhất, một phần tiền thưởng được dùng làm "Quỹ học bổng cho sinh viên nông nghiệp của Đồng bằng sông Cửu Long". Đây là quỹ do các cựu sinh viên nông nghiệp có sáng kiến thành lập từ tháng 9/2023. Thứ hai, đầu tư cho dự án phổ cập hóa dạy song ngữ cho trường phổ thông, từ đó hướng tới đào tạo giáo viên dạy song ngữ...

Có lẽ cái mong muốn lớn nhất của GS Võ Tòng Xuân là muốn lớp trẻ ngày nay phải biết vươn lên, nỗ lực để làm giàu cho bản thân và đất nước.

GS Võ Tòng Xuân được phong Giáo sư vào năm 1980, được tặng danh hiệu Anh hùng lao động năm 1985, Nhà giáo Ưu tú năm 1990, Nhà giáo Nhân dân năm 1999, Huân chương Lao động hạng ba năm 1981 và Huân chương Lao động hạng nhất năm 1986.

Trong cuộc đời hết mình vì sự nghiệp phát triển lúa gạo ở trong và ngoài nước, GS Võ Tòng Xuân được nhận nhiều giải thưởng quốc tế, bao gồm: Giải thưởng Derek Tribe về khoa học kỹ thuật 2005; giải thưởng Nikkei Á châu năm 2002 về tăng trưởng vùng; giải thưởng Ramon Magsaysay về phục vụ Nhà nước năm 1993; huy chương "Kỵ mã nông nghiệp" của Bộ Nông Lâm Thủy sản Pháp, năm 1996....

Ảnh: MH/NVCC

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại