Bà ngoại về quê sau thời gian chăm cháu, để lại mẩu giấy nhỏ mà ai nấy tấm tắc: "Bà thật hiện đại, tuyệt vời"

An Chi |

Bà rất quan tâm đến sức khỏe của cháu và đặc biệt dặn dò cả 2 vợ chồng.

Điện thoại, iPad, tivi lúc nào cũng có sức hấp dẫn kì lạ, chúng chứa đựng cả thế giới nên chẳng có gì khó hiểu nếu một đứa trẻ có thể cuốn lấy thiết bị điện tử suốt cả ngày. Chính vì thế, điều quan trọng là cha mẹ cần sắp xếp thời gian sử dụng điện thoại sao cho hợp lý, với các bé trong độ tuổi 2-3, mỗi ngày chỉ nên xem tối đa 1 tiếng đồng hồ.

Bên cạnh đó, cách cha mẹ sử dụng điện thoại cũng ảnh hưởng đến con. Chúng sẽ thắc mắc tại sao bố mẹ được dùng mà con thì không, nhìn thấy cha mẹ dùng một cách thường xuyên cũng khiến con cho rằng đây là chuyện bình thường.

Ở nhiều gia đình hiện nay, ông bà thường là người chăm cháu. Nhiều ông bà vì bận cũng để cháu xem tivi suốt vài tiếng đồng hồ, ngại đưa cháu đi chơi. Thế nhưng, người bà trong câu chuyện dưới đây lại khác, cực kỳ văn minh, lo nghĩ cho sức khỏe của cháu.

Sau thời gian chăm sóc cháu, bà phải trở về quê. Trong mẩu giấy để lại cho các con, bà dặn dò cực kỳ cẩn thận về vấn đề xem điện thoại trước mặt con.

"Không được cho con chơi điện thoại.

Về nhà phải cất điện thoại vào túi hoặc để trên bàn cao nó không nhìn thấy, có ai gọi điện phải kín đáo ra chỗ khác nghe.

Từ nay tuyệt đối không được giở điện thoại trước mặt nó. Bây giờ nó 2 tuổi còn giấu được, nó 3 tuổi còn giữ khó hơn. Phải coi đây là việc nghiêm trọng", bà viết trong tờ giấy nhỏ.

Bà ngoại về quê sau thời gian chăm cháu, để lại mẩu giấy nhỏ mà ai nấy tấm tắc:

Lời nhắn của bà.

Dưới phần bình luận, ai cũng khen bà quá tuyệt vời. Đây không phải là điều mà ai cũng có thể làm được. Đặc biệt trong đời sống MXH phủ kiến như hiện nay thì việc cha mẹ sử dụng điện thoại trước mặt con cái được coi là điều hiển nhiên.

Hệ lụy khi cha mẹ "kè kè" chiếc điện thoại bên cạnh con: Điện thoại liệu có quan trọng hơn con cái?

Sự phụ thuộc vào điện thoại di động của cha mẹ có thể không đem lại những tác động tích cực cho mối quan hệ với con cái. Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng, khi cha mẹ mải mê với thiết bị của mình, họ thường giảm bớt giao tiếp cả về lời nói lẫn hành động, từ đó làm suy giảm khả năng tương tác ngôn ngữ và phi ngôn ngữ với con. Đáng chú ý, trong bữa ăn, việc sử dụng điện thoại có thể làm giảm tới 20% sự trao đổi lời nói và 39% các hình thức giao tiếp không lời như ánh mắt hay biểu hiện cảm xúc.

Quan sát sâu hơn, một số nghiên cứu còn liên kết việc cha mẹ dùng điện thoại với sự giảm sự nhận thức và độ nhạy cảm ở trẻ. Không chỉ vậy, thói quen này còn có thể hạn chế khả năng tiếp thu các kỹ năng xã hội cơ bản của trẻ, điển hình như giao tiếp bằng mắt hay phản ứng tinh tế trong các tình huống giao tiếp.

Một nghiên cứu tiến hành với 38 phụ huynh đã cho thấy, khi việc giới thiệu từ mới cho trẻ bị gián đoạn bởi điện thoại, khả năng học từ vựng của trẻ bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Mặc dù không phải lúc nào các bậc cha mẹ cũng nhận thức được mức độ ảnh hưởng của việc này, nhưng qua thời gian, nó có thể gây ra những hậu quả lớn đối với sự phát triển toàn diện của con trẻ.

Chính vì lẽ đó, việc quản lý sử dụng điện thoại một cách có ý thức và tạo dựng những thói quen lành mạnh trong giao tiếp với con cái là hết sức quan trọng để nuôi dưỡng các mối quan hệ gia đình khỏe mạnh và hỗ trợ phát triển kỹ năng cho trẻ.

Cha mẹ làm sao để thay đổi thói quen sử dụng điện thoại trước mặt con?

- Dành ra khoảng thời gian nhất định mỗi ngày không sử dụng điện thoại khi ở cùng con cái. Việc này có thể được thực hiện bằng cách tắt nguồn hoặc để điện thoại ở một phòng khác, giúp cha mẹ chỉ chú ý đến việc giao tiếp với con mình từ 1 đến 2 giờ đồng hồ.

- Ngưng nhận thông báo từ điện thoại bằng cách tắt tiếng chuông. Điều này giúp giảm thiểu những phân tâm không cần thiết, và cha mẹ có thể chuyển điện thoại sang chế độ "không làm phiền" hoặc "máy bay" để tập trung hoàn toàn vào con cái.

- Xác định một số không gian trong nhà là "khu vực không điện thoại", nơi mà việc sử dụng điện thoại là không được phép, chẳng hạn như phòng ăn hoặc phòng chơi.

- Làm giảm sức hấp dẫn của điện thoại bằng cách thay đổi cách sắp xếp ứng dụng, đặt những ứng dụng thường xuyên sử dụng vào nơi kém tiện lợi hơn, hoặc thiết lập hình nền điện thoại với màu sắc xám, giúp giảm sự thu hút của thiết bị.

- Khi cần phải sử dụng điện thoại trong thời gian ở cùng con, hãy lý giải rõ ràng cho trẻ lý do tại sao bạn cần phải làm vậy, ví dụ như trả lời tin nhắn công việc khẩn cấp hoặc lên lịch hẹn bác sĩ, giúp con hiểu và không cảm thấy bị sao nhãng.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại