5 tỷ đồng, 2 năm thất bại và thành quả chưa từng có ở Việt Nam

Phan Minh Thông |

Một trong những lý do thành công của Phúc Sinh là doanh nghiệp đã bắt đầu hoạt động phát triển bền vững từ rất sớm, khi khái niệm này còn mới mẻ ở Việt Nam.

LTS: Chiếm 8% thị phần xuất khẩu hồ tiêu thế giới, gần đây, Phúc Sinh Group phát triển mạnh cả ở ngành cà phê bao gồm xuất khẩu và chuỗi K Coffee với mục tiêu 300 cửa hàng đến cuối 2024. Một trong những lý do thành công của Phúc Sinh là doanh nghiệp đã bắt đầu hoạt động phát triển bền vững từ rất sớm, khi khái niệm này còn mới mẻ ở Việt Nam. Như ông Phan Minh Thông, chủ tịch HĐQT Phúc Sinh Group chia sẻ trong bài viết dưới đây, muốn sản xuất lớn, bán lớn, vay vốn hay bán cổ phần cho các tổ chức lớn trên thế giới… thì phát triển bền vững luôn là một trụ cột quan trọng của doanh nghiệp.

***

5 tỷ đồng, 2 năm thất bại và thành quả chưa từng có ở Việt Nam- Ảnh 1.

Sau Covid, chúng tôi trở lại nước Mỹ trong kế hoạch đi thăm khách hàng và khảo sát thị trường toàn cầu. Mọi thứ khá ngỡ ngàng. Rất nhiều sản phẩm trước dịch không cần chứng nhận phát triển bền vững thì bây giờ đều phải có. Đây là một thay đổi vô cùng lớn. Công ty nhập khẩu gia vị lớn nhất ở Mỹ cũng tuyên bố chỉ mua các sản phẩm phát triển bền vững. Đó là một thách thức với cả người mua và người bán, vì nếu không có sự chuẩn bị từ nhiều năm trước thì khó có thể cung cấp sản phẩm đáp ứng được tiêu chuẩn khắt khe của người mua lớn này.

5 tỷ đồng, 2 năm thất bại và thành quả chưa từng có ở Việt Nam- Ảnh 2.

Với Phúc Sinh, từ năm 2010, do yêu cầu của đối tác Hà Lan, chúng tôi đã bắt tay vào làm hồ tiêu theo tiêu chuẩn phát triển bền vững. 14 năm trước, khái niệm đó còn rất mới, hầu như cả thị trường chưa ai biết. Phúc Sinh bắt đầu học hỏi mày mò từ những bước đầu tiên.

Sau 2 năm đầu, dự án hoàn toàn thất bại. Chúng tôi mất rất nhiều tiền. Tuy nhiên, người mua lớn của Phúc Sinh ở Hà Lan nói nếu không làm tiếp phát triển bền vững thì khó bán được hàng sau 2015. Thế là đội ngũ công ty lại họp bàn tìm cách làm. Thất bại là điều chẳng ai muốn, nhưng cũng nhờ đó mà chúng tôi thu được nhiều bài học quý giá. Đến năm 2014, Phúc Sinh thành công và trở thành doanh nghiệp đầu tiên ở Việt Nam có Chứng nhận Tiêu chuẩn Nông nghiệp Bền vững Rainforest Alliance (Rainforest Alliance - RA).

5 tỷ đồng, 2 năm thất bại và thành quả chưa từng có ở Việt Nam- Ảnh 3.

Để đạt được chứng nhận RA, Phúc Sinh đã tiêu tốn gần 5 tỷ đồng. Số tiền này hoàn toàn từ ngân sách công ty chứ không có bất cứ tài trợ nào của bên thứ ba như một số người thường nghĩ. Nhưng nhờ có RA, Phúc Sinh đã bán được rất nhiều hàng vào Châu Âu. Khi EU làm chặt về an toàn thực phẩm những năm sau đó, Phúc Sinh đã rất rộng cửa vào thị trường này. Các khách hàng đều đồng ý trả tiền cho Phúc Sinh để có chứng nhận RA trên bao bì. Chỉ sau 1 năm, chúng tôi đã thu lại được toàn bộ số tiền đầu tư để có RA.

5 năm gần đây, EU làm rất gắt gao về an toàn thực phẩm. Trong khi nhiều doanh nghiệp gặp khó thì một lần nữa, đây lại là cơ hội cho Phúc Sinh vì chúng tôi đã sớm đi theo con đường phát triển bền vững. Khi nhiều công ty xuất khẩu không thể bán được vào Châu Âu hay bị trả hàng về thì Phúc Sinh đã tăng sản lượng lớn xuất vào EU nhờ các bước đi phát triển bền vững từ rất lâu trên thị trường. Dù năm 2023 sản lượng tiêu thụ lương thực thực phẩm và gia vị của các thị trường trên toàn thế giới, trong đó có cả Châu Âu suy giảm, thì nhờ chế biến sâu và phát triển bền vững, các nhà máy của Phúc Sinh vẫn rất phát triển.

5 tỷ đồng, 2 năm thất bại và thành quả chưa từng có ở Việt Nam- Ảnh 4.

Nhìn rộng ra có thể thấy, sau đại dịch, mọi người quan tâm nhiều hơn đến Trái đất chúng ta đang sống. Các yêu cầu về thân thiện môi trường và phát triển bền vững không còn chỉ là khẩu hiệu mà phải là hành động thực tế. Các quy định đều rất chi tiết, như quy định về chống phá rừng, không trồng cây trên đất rừng tự nhiên ở các ngành gỗ, cao su và cà phê… Nếu không có chứng nhận phát triển nông nghiệp bền vững, sẽ rất khó bán hàng cho các nước phát triển. Ví dụ xuất khẩu cà phê mà doanh nghiệp không chứng minh được sản phẩm không trồng trên rừng tự nhiên thì sau tháng 30/12/2024 sẽ không thể đưa hàng vào EU.

Không chỉ trong kinh doanh hàng hóa mà khái niệm bền vững còn lan sang cả lĩnh vực tài chính. Sau khi phát triển một thời gian, chúng tôi muốn xây thêm nhà máy và gọi vốn là điều cần tính tới. Sau đại dịch, vốn trở nên đắt và đặc biệt rất ít nhà đầu tư thực hiện việc cho vay hay đầu tư lúc này. Tuy nhiên, các công ty thực hành phát triển bền vững hay có hệ thống ESG (Environmental, social, and governance) thì vẫn có thể gọi được vốn và Phúc Sinh nằm trong số này.

5 tỷ đồng, 2 năm thất bại và thành quả chưa từng có ở Việt Nam- Ảnh 5.

Khi thẩm định, đối tác nhận thấy hơn 90% hệ thống của chúng tôi đạt chuẩn ESG theo tiêu chí của IFC (Tổ chức Tài chính Quốc tế thuộc Ngân hàng Thế giới). Những việc chúng tôi làm từ 14 năm trước trong phát triển bền vững vùng trồng, con người… thì giờ là lợi thế giúp chúng tôi tiếp cận nguồn vốn từ các tố chức lớn trên thế giới, điều mà các công ty không làm phát triển bền vững không thể có được.

5 tỷ đồng, 2 năm thất bại và thành quả chưa từng có ở Việt Nam- Ảnh 6.

Năm 2017 chúng tôi xây nhà máy Cà phê Wash Arabica ở Sơn La, cùng với tìm mua máy móc thì việc đầu tiên chúng tôi làm tìm nhà cung cấp phương án xử lý nước thải. Giá của hệ thống xử lý nước thải bằng giá mua hệ thống máy móc mới tinh từ Colombia. Ngoài ra, nếu chỉ đầu tư máy móc thì sẽ được khấu hao dần dần nhưng đầu tư xử lý nước thải thì sẽ phải đầu tư tiếp tục khi sản xuất cà phê chế biến ướt.

5 tỷ đồng, 2 năm thất bại và thành quả chưa từng có ở Việt Nam- Ảnh 7.

Nhưng nếu không đầu tư hệ thống xử lý nước thải tốt thì sẽ ảnh hưởng to lớn tới môi trường, trong khi chúng tôi luôn nghĩ sẽ sản xuất và duy trì phát triển bền vững nhiều năm chứ không chỉ thu lợi nhuận chế biến. Và nếu muốn gọi vốn thì đến bước khảo sát về ESG hay phát triển bền vững, nhà máy xử lý nước thải là một trong những nhân tố họ kiểm tra đầu tiên. Chúng tôi quyết tâm đầu tư, và giờ đây, tôi có thể tự hào rằng, ở Sơn La, nhà máy chế biến Phúc Sinh Sơn La là hiện đại nhất và hệ thống xử lý nước thải của chúng tôi cũng là duy nhất nếu tính đầu tư tư nhân.

Chúng tôi cũng kết nối với bà con vùng trồng để làm chứng nhận, chia sẻ kinh nghiệm từ cải tạo đất, giống và phân bón, dư lượng thuốc bảo vệ thực vật làm sao cho an toàn vệ sinh thực phẩm, đào tạo chống phá rừng. Hiện nay, gần như toàn bộ cà phê chế biến ướt của Nhà máy Phúc Sinh Sơn La đã có chứng nhận phát triển bền vững.

Có một vấn đề khi sản xuất cà phê Wash Arabica là tỷ lệ lớn vỏ quả cà phê bỏ đi làm ảnh hưởng tới môi trường. Trong khi đó, ở Nam Mỹ, trà Cascara làm từ vỏ quả cà phê đã được dùng từ 50 năm nay. Phúc Sinh đã quyết định thay đổi lớn. Chúng tôi làm sản phẩm Cascara từ vỏ quả cà phê Blue Sơn La từ 2019, và sau 4 năm, thấy khách hàng ủng hộ, chúng tôi đã đầu tư xây dựng nhà máy và khánh thành vào 11/2023.

5 tỷ đồng, 2 năm thất bại và thành quả chưa từng có ở Việt Nam- Ảnh 8.

Thay vì bỏ đi gây ô nhiễm môi trường thì nay vỏ cà phê đã trở thành trà Cascara Blue Sơn La, loại trà có hương vị độc đáo, nhiều công dụng tốt với sức khoẻ, có thể bán với giá lên tới 1,5 triệu đồng/kg (trong khi hạt cà phê đặc sản cũng chỉ khoảng 800.000 đồng/kg).

Và hiệu quả không chỉ là số tiền trước mắt. Với nhà máy trà Cascara, Phúc Sinh tạo ra một mô hình kinh tế tuần hoàn hiệu quả, xanh hóa môi trường sản xuất, góp phần hiện thực hoá tầm nhìn phát triển bền vững của doanh nghiệp. Bởi chúng tôi hiểu rằng, muốn sản xuất lớn, bán lớn, vay vốn hay bán cổ phần cho các tổ chức lớn trên thế giới, ngoài việc phát triển tốt, minh bạch, bạn phải có hoạt động và chứng nhận phát triển bền vững hay ESG. Và chỉ có đi theo con đường phát triển bền vững, doanh nghiệp mới tạo ra sự thịnh vượng dài lâu cho chính mình cũng như đóng góp cho cộng đồng.

5 tỷ đồng, 2 năm thất bại và thành quả chưa từng có ở Việt Nam- Ảnh 9.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại