1 phút trên thế giới có 5 người tử vong do chăm sóc sức khoẻ không an toàn

Ngọc Minh |

Đây là con số được đại diện Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) nhắc tới để nhấn mạnh việc đảm bảo an toàn cho bệnh nhân khi được chăm sóc sức khỏe tại các sơ sở y tế.

Tại buổi lễ Hưởng ứng ngày an toàn người bệnh Thế giới 2023, Đại diện Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cho hay, an toàn người bệnh là quyền cơ bản của bệnh nhân. Trên khắp thế giới, mỗi một phút trôi qua có tới 5 người thiệt mạng do chăm sóc y tế không an toàn.

Hàng năm có một số lượng lớn bệnh nhân bị tổn hại hoặc tử vong do chăm sóc sức khỏe không an toàn, tạo ra gánh nặng tử vong và tàn tật cao, đặc biệt ở các nước có thu nhập thấp và trung bình.

Đại diện WHO cho biết, trung bình, ước tính cứ 10 bệnh nhân thì có 1 người gặp phải tác dụng phụ khi được chăm sóc tại bệnh viện. Bằng chứng cho thấy có 134 triệu ca xảy ra tai biến do chăm sóc y khoa không an toàn tại bệnh viện ở các nước thu nhập thấp và trung bình, góp phần gây ra khoảng 2,6 triệu ca tử vong mỗi năm.

Theo ước tính gần đây, chi phí xã hội do gây hại cho bệnh nhân có thể lên tới 1 nghìn tỷ đến 2 nghìn tỷ đô la Mỹ mỗi năm.

1 phút trên thế giới có 5 người tử vong do chăm sóc sức khoẻ không an toàn - Ảnh 1.

Đại diện WHO chia sẻ (ảnh PV)

Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên cũng cho hay, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) kêu gọi tất cả các quốc gia cho phép người bệnh cũng như người nhà người bệnh góp ý và chia sẻ các trải nghiệm về dịch vụ khám chữa bệnh, cả dịch vụ an toàn và chưa an toàn; Cung cấp cơ sở để cải tiến chất lượng khám chữa bệnh.

Bộ Y tế đã triển khai nhiều hình thức "Lắng nghe tiếng nói, tâm tư của người bệnh!" từ nhiều năm trước đây, khi ban hành Quy chế bệnh viện năm 1997.

Bộ Y tế đã xây dựng các kênh thu thập ý kiến người bệnh như đường dây nóng bệnh viện, hộp thư góp ý, hội đồng người bệnh... Những năm gần đây, Bộ Y tế đã thể chế hóa, ban hành nhiều văn bản hướng dẫn và quy định như đường dây nóng.

An toàn người bệnh là phòng ngừa tổn hại cho người bệnh, hạn chế các nguy cơ sự cố y khoa.

PGS.TS Lương Ngọc Khuê, Phó Chủ tịch Hội đồng Y khoa quốc gia, Cục trưởng Cục Quản lý Khám chữa bệnh (Bộ Y tế) cũng cho biết, mọi bác sĩ khi học ngành y đều với mong muốn cứu giúp cho bệnh nhân. Do vậy, đảm bảo an toàn cho bệnh nhân là mục tiêu của ngành y tế và phải được thể hiện bằng những hàng động thiết thực.

Nói về vụ cháy xảy ra tại chung cư mini ở Thanh Xuân, ông Khuê đã thương tiếc và đau lòng trước thảm hoạ lấy đi 56 mạng người. Với những nạn nhân còn sống, mô hình điều trị cho các nạn nhân vụ cháy là: bỏng phổi, ngộ độc khí CO, đa chấn thương do nhảy từ trên cao xuống, người có bệnh lý nền… Ngoài ra, cán bộ y tế cũng cần phải quan tâm tới sức khoẻ tinh thần cho bệnh nhân vì sau biến cố mất người thân, mất của cải sẽ là stress nặng.

Ngay sau khi tiếp nhận các bệnh nhân, lãnh đạo Bộ Y tế đã trực tiếp xuống các bệnh viện và chỉ đạo công tác điều trị.

Lãnh đạo Bộ Y tế cũng đã đề nghị các bệnh viện theo dõi sát, tập trung mọi nguồn lực, cung cấp đủ thuốc, vật tư, trang thiết bị, dinh dưỡng để phục vụ cho công tác khám chữa bệnh...

Mục tiêu của Ngày An Toàn Người Bệnh Thế Giới 2023 là:

1. NÂNG CAO nhận thức toàn cầu về việc lắng nghe người bệnh, người nhà chia sẻ trải nghiệm và tâm tư để bảo đảm dịch vụ khám chữa bệnh an toàn hơn.

2. THU HÚT sự quan tâm, lắng nghe của lãnh đạo các cấp, các nhân viên y tế, các đối tác y tế với hoạt động an toàn người bệnh.

3. BẢO ĐẢM QUYỀN CỦA NGƯỜI BỆNH là được tham gia vào việc chăm sóc sức khỏe, quá trình khám chữa bệnh của chính mình.

4. VẬN ĐỘNG thể chế hóa Kế hoạch hành động toàn cầu về an toàn người bệnh giai đoạn 2021-2030.

Thông qua thông điệp "Lắng nghe tiếng nói, tâm tư của người bệnh!", Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) kêu gọi tất cả các quốc gia cho phép người bệnh và người nhà của người bệnh góp ý và chia sẻ các trải nghiệm về dịch vụ khám chữa bệnh, cả dịch vụ an toàn và chưa an toàn; cung cấp cơ sở để cải tiến chất lượng khám chữa bệnh.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại