Tàu NASA lao vào tiểu hành tinh: "Đốt" hơn 300 triệu USD, có phải chỉ là kiến đốt gỗ?

Minh Hằng |

Sáng sớm ngày 27/9 (theo giờ Việt Nam), Cơ quan Hàng không Vũ trụ Mỹ (NASA) vừa thông báo tàu vũ trụ DRAT hoàn thành sứ mệnh đâm vào tiểu hành tinh Dimorphos. Liệu đây có phải là kiến đốt gỗ?

Theo NASA, tàu vũ trụ thử nghiệm chuyển hướng tiểu hành tinh kép (DRAT) đã thành công đâm vào tiểu hành tinh nhỏ ở cách Trái Đất khoảng 11 triệu km vào 7h14’ tối 26/9 (theo giờ Mỹ), tương đương với 6h14’ sáng 27/9 (giờ Việt Nam). Đây là thử nghiệm phòng thủ hành tinh đầu tiên trên thế giới.

Giám đốc NASA Bill Nelson cho biết: "DART đại diện cho một thành công chưa từng có trong việc bảo vệ hành tinh. Nhiệm vụ này cũng là sứ mệnh đoàn kết với lợi ích thực sự cho toàn nhân loại. Khi NASA nghiên cứu vũ trụ và Trái Đất của chúng ta, chúng tôi cũng đang nỗ lực để bảo vệ ngôi nhà đó và sự hợp tác quốc tế này đã biến khoa học viễn tưởng trở thành sự thật. DART cũng chứng minh một cách để bảo vệ Trái Đất".

Tàu NASA lao vào tiểu hành tinh: Đốt hơn 300 triệu USD, có phải chỉ là kiến đốt gỗ? - Ảnh 1.

DART là sứ mệnh đầu tiên thử nghiệm kỹ thuật làm lệch hướng của một tiểu hành tinh. Ảnh: NASA/ Johns Hopkins APL

Trong sự kiện đặc biệt được phát trực tiếp trên trang chủ của NASA cùng nhiều nền tảng mạng xã hội, đại diện của cơ quan này thông báo rằng, tác động được xác nhận cho sứ mệnh phòng thủ lần đầu tiên trước mối đe doạ hành tinh.

Sự kiện lần đầu tiên tàu DART của NASA đâm thành công vào tiểu hành tinh trong không gian được giới khoa học coi là một phần trong cuộc thử nghiệm nhằm tác động tới quá trình di chuyển của tiểu hành tinh.

Mục tiêu của nhiệm vụ DART là nhằm thay đổi quỹ đạo của tiểu hành tinh Dimorphos. Điều này đủ để chứng minh rằng con người hoàn toàn có thể làm chệch hướng một tiểu hành tinh nguy hiểm đang lao về phía Trái Đất.

Tàu vũ trụ bé nhỏ của NASA có thật là kiến đốt gỗ?

Tàu vũ trụ DART đâm vào tiểu hành tinh Dimorphos khi di chuyển với tốc độ khoảng 22.530 km/h. Tuy nhiên, NASA hy vọng trọng lượng gần 600 kg của con tàu này đủ để khiến Dimorphos (dài 163 m) di chuyển nhanh hơn trên quỹ đạo quanh vật chủ của nó.

Nhà khoa học Nancy Chabot, trưởng nhóm điều phối DART ở Phòng thí nghiệm Vật lý Ứng dụng Đại học Johns Hopkins (JHUAPL), đồng thời là người giám sát nhiệm vụ, chia sẻ: "Tàu vũ trụ DART rất nhỏ. Chúng tôi mô tả nó giống như một chiếc xe golf đâm thẳng vào Đại kim tự tháp".

"Kết quả vượt quá mong đợi của tôi. Việc tìm kiếm, theo dõi và xác định đặc điểm của các vật thể gần Trái Đất là việc vô cùng quan trọng đối của nỗ lực phòng thủ hành tinh trong tương lai. Trong đó, DART chỉ là thử nghiệm đầu tiên", bà Nancy Chabot cho biết tại buổi phát sóng trực tiếp sự kiện DART của NASA.

Theo NASA, trung tâm điều khiển nhiệm vụ DART tại JHUAPL cũng phải chịu nhiều áp lực khi con tàu này tiến tới gần mục tiêu. Trên thực tế, phần lớn trong những giờ cuối DART diễn ra một cách tự động với hệ thống định vị của con tàu khoá chặt vào tiểu hành tinh Dimorphos vào giờ cuối cùng.

Đặc biệt, camera chính của tàu vũ trụ DART liên tục gửi một bức ảnh về Trái Đất mỗi giây cho đến khi màn hình chuyển sang màu đen vào khoảnh khắc mà con tàu này đâm vào Dimorphos.

Tàu NASA lao vào tiểu hành tinh: Đốt hơn 300 triệu USD, có phải chỉ là kiến đốt gỗ? - Ảnh 3.

Hình ảnh của Dimorphos chỉ vài giây sau khi bị tàu DART đâm vào. Ảnh: NASA

Ông Lindley Johnson, chuyên gia về phòng vệ hành hành tinh của NASA nhận định, thành công của DART chứng tỏ con người không còn bất lực trong việc bảo vệ Trái Đất khỏi tác động tàn phá của một tiểu hành tinh.

Ông Tom Statler, nhà khoa học đang làm việc trong nhiệm vụ DART của NASA, cho biết: "Chúng tôi đang làm thay đổi chuyển động của một thiên thể tự nhiên ở trong vũ trụ. Nhân loại chưa bao giờ làm được điều đó trước đây".

Vì sao NASA chọn mục tiêu là Dimorphos?

Dimorphos, mặt trăng của Didymos, thực chất không phải là mối đe doạ với Trái Đất, thậm chí là trong tương lai gần. NASA chọn Dimorphos thực chất là chỉ muốn tìm hiểu xem liệu tàu vũ trụ có khả năng làm chệch hướng của một tảng đá không gian có kích thước như tiểu hành tinh này hay không.

Trên thực tế, Dimorphos là một phần trong hệ nhị phân và có thời gian quay quanh vật chủ là 11 giờ 55 phút. Đây cũng là thời gian đủ ngắn để tiến hành phát hiện về thay đổi trên quỹ đạo bằng cách sử dụng kính viễn vọng mặt đất.

Tàu NASA lao vào tiểu hành tinh: Đốt hơn 300 triệu USD, có phải chỉ là kiến đốt gỗ? - Ảnh 4.

Các nhà khoa học đã có được cái nhìn cận cảnh về bề mặt đá của tiểu hành tinh Dimorphos ngay trước khi tàu vũ trụ DART thực hiện va chạm. Ảnh: NASA

Trước đó, Didymos và Dimorpos được giới khoa học phát hiện vào năm 1996 và 2003. Đây cũng là hệ tiểu hành tinh nhị phân đầu tiên được nghiên cứu chi tiết. Do đó, NASA có thể dùng một tàu vũ trụ cùng với sự hỗ trợ của kính viễn vọng mặt đất để tiến hành đo độ chệch hướng, mà không phải dùng thêm tàu khác.

Nhiệm vụ DART của NASA sẽ khiến tiểu hành tinh Dimorphor bay nhanh hơn 10 phút trên quỹ đạo quanh Didymos và không làm thay đổi quỹ đạo của hệ nhị phân.

Ngoài ra, sở dĩ NASA chọn Dimorphos vì kích thước của nó cũng tương tự với các tiểu hành tinh mà các chuyên gia lo ngại sẽ dễ xảy ra va chạm với Trái Đất nhất. Hơn nữa, tiểu hành tinh này cũng đang nằm gần Trái Đất nhất, với khoảng cách là 11 triệu km. Do đó đây là tiểu hành tinh rất thích hợp vì tín hiệu chỉ mất khoảng 38 giây để truyền từ tàu vũ trụ DART tới Trái Đất.

Vì là nhiệm vụ đầu tiên nên nhóm phụ trách DART không biết chính xác về kết quả sẽ ra sao đối với tiểu hành tinh Dimorphos.

Tàu NASA lao vào tiểu hành tinh: Đốt hơn 300 triệu USD, có phải chỉ là kiến đốt gỗ? - Ảnh 5.

Tiểu hành tinh Dimorphos. Ảnh: NASA

Bà Angela Stickle, trưởng nhóm tác động của DART ở JHUAPL, cho biết, những mô phỏng và mô hình của nhóm cho thấy tàu vũ trụ DART nhiều khả năng sẽ tạo ra một hố rộng 20 m sau khi xảy ra va chạm.

Trước đó, trong nhiều tuần trước khi xảy ra va chạm, nhiệm vụ DART đã triển khai một vệ tinh nhỏ gọi là LICIACube để tiến hành quan sát về vụ va chạm của tàu vũ trụ với tiểu hành tinh. Vì vậy, ảnh chụp từ vệ tinh này sẽ được gửi về Trái Đất trong vài ngày tới sau khi xảy ra va chạm.

Trong thời gian tới, Cơ quan Vũ trụ châu Âu (ESA) cũng đang lên kế hoạch cho nhiệm vụ riêng với hệ thống tiểu hành tinh Dimorphos và Didymos nhằm nghiên cứu tiếp về vụ va chạm DART. Cụ thể, vào năm 2024, nhiệm vụ tên là Hera sẽ phóng một tàu vũ trụ tới quỹ đạo của hệ nhị phân, đặc biệt tập trung vào việc tìm hiểu hai thiên thạch này và miệng hố va chạm mà DART tạo ra trên tiểu hành tinh Dimorphos.

Nhiệm vụ DART trị giá 313,9 triệu USD và được phóng vào ngày 23/11/2021. Đây là nhiệm vụ đầu tiên để tiến hành kiểm tra kỹ thuật để phòng thủ hành tinh, bằng cách đâm một tàu vũ trụ vào tiểu hành tinh để thay đổi quỹ đạo của nó. Theo các chuyên gia, phương pháp này có thể giúp bảo vệ Trái Đất nếu phát hiện ra một tiểu hành tinh khoảng 5 – 10 năm trước khi thời điểm va chạm thực sự diễn ra.

Bài viết tham khảo nguồn: NASA, Space, Reuters

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại